Y học & Sức khỏe Thứ tư, 18:51, 19/06/2019 GMT+7

Vì sao bạn cần ngủ trưa?

Giấc ngủ ngắn vào buổi trưa mang đến nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, giúp bạn làm mới và hồi phục cơ thể, tinh thần của mình.

Dưới đây là những tác dụng của giấc ngủ ngắn đối với sức khỏe:

1 - Giúp tỉnh táo hơn

Người có giấc ngủ ngắn vào buổi trưa hay các thời điểm khác trong ngày “thường bị cho là lười biếng” nhưng trong số các vĩ nhân của thể giới, như Albert Eistein lại nổi tiếng là người hay ngủ.


Tranh thủ ngủ trưa tại công sở - Ảnh minh họa

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy tác dụng của giấc ngủ ngắn vào buổi trưa, giúp kích hoạt cơ thể và tinh thần của chúng ta. Giấc ngủ ngắn giúp cải thiện khả tăng tập trung và sự tỉnh táo, theo các chuyên gia về giấc ngủ Đại học Y khoa Columbia.

Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ, một nghiên cứu của NASA tiến hành trên các phi công quân sự và các phi hành gia cho thấy giấc ngủ trưa 40 phút giúp cải thiện khả năng hoạt động đến 34% và giúp tỉnh táo hoàn toàn.

2 - Cải thiện khả năng ghi nhớ

Giấc ngủ ngắn vào buổi trưa giúp tăng cường khả năng ghi nhớ các thông tin học hành do thúc đẩy các kết nối thần kinh hình thành nên trí nhớ của chúng ta - theo Đại học California.

Trong giấc ngủ, các vùng não có liên quan đến trí nhớ được tái kích hoạt, tái diễn lại các hoạt động thần kinh. Qua đó, trí nhớ được củng cố và di chuyển vào “các kho trữ dài hạn” của não.

Các nghiên cứu khác cho thấy khả năng ghi nhớ từ ngữ cao hơn gấp 5 lần ở các đối tượng có giấc ngủ trưa ngắn.

3 - Có lợi cho sức khỏe tim mạch

Giấc ngủ trưa không chỉ tốt cho não mà còn tốt cho tim mạch. Giấc ngủ trưa ngắn được gọi là “kỳ nghỉ của tim mạch” vì trong suốt giấc ngủ sâu các hoạt động tim mạch được giảm lại.

Theo nghiên cứu, người ngủ trưa giảm được 37% nguy cơ tử vong vì bệnh tim và thiếu ngủ có thể gây ra các bất ổn tim mạch.

4 - Giúp giảm stress

Sự buồn ngủ có liên quan đến tăng huyết áp và mức hormone stress cortisol cao hơn, vì thế việc làm giảm áp lực gây ra bởi stress qua giấc ngủ là tốt cho cơ thể.

Hormone này giảm xuống trong khi ngủ và giấc ngủ ngắn có thể giúp cải thiện tác động của tình trạng mất ngủ vào ban đêm.

Một nghiên cứu của Hy Lạp cho thấy người có thói quen ngủ trưa có huyết áp thấp hơn. Ngủ trưa hàng ngày giúp giảm số lượng hormone stress trong cơ thể, giảm stress và nguy cơ bệnh tim.

5 - Ngủ trưa giúp giảm cân

Giấc ngủ trưa làm giảm khả năng thèm ăn, giúp cơ thể tiêu thụ thức ăn một cách lành mạnh hơn, tránh tình trạng tăng cân.

Các nghiên cứu cho thấy ngủ trưa giúp điều chỉnh hai hormone có liên quan đến cơn đói và sự thèm ăn. Thiếu ngủ làm tăng cảm giác thèm ăn và đưa đến các quyết định ăn uống không lành mạnh như thèm ăn đồ ngọt và đồ béo - nguyên nhân gây tăng cân.

6 - Giúp cải thiện trạng thái tinh thần

Chúng ta có thể quan sát thấy sự cáu gắt và khó chịu ở trẻ em khi thiếu ngủ; ở người lớn cũng vậy. Khi chất lượng và thời gian của giấc ngủ vào ban đêm không tốt và không đủ sẽ tạo ra sự mất cân bằng hormone thần kinh nội tiết, gây ra cảm giác mệt mỏi và sự cáu gắt.

Ngủ trưa giúp hồi phục sự mất cân bằng này. Do đó, nếu khó chịu do thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon vào đêm hôm trước bạn nên có giấc ngủ ngắn từ 20-30 phút, thông tin từ Đại học Y khoa Harvard.

7 - Giúp thúc đẩy hệ miễn dịch

Tác dụng khác của giấc ngủ ngắn là giúp cơ thể chúng ta đánh bại các tác nhân gây viêm nhiễm. Một nghiên cứu cho thấy các tế bào bạch cầu gia tăng sau một đêm thiếu ngủ và một giấc ngủ trưa ngắn sau một đêm ngủ 8 tiếng giúp đưa mức tế bào bạch cầu về mức cơ bản.

Điều này giúp khả năng chống lại bệnh tật tốt hơn. Ngoài ra, ngủ ngắn vào buổi trưa còn có lợi cho sự hồi phục da và mô, làm cho da trẻ trung hơn.

8 - Giúp cải thiện hoạt động thể chất

Ngủ trưa giúp tăng cường khả năng tập luyện thể chất. Mức hormone tăng trưởng tăng cao khi ngủ; đây là thời gian quan trọng để các cơ và các mô liên kết tự sửa chữa, phục hồi.

9 - Giúp các giác quan sắc nhạy

Khi buồn ngủ, bạn có cảm giác đôi mắt mệt mỏi hơn hoặc cảm giác như tai mình trở nên nhạy cảm hơn với tiếng ồn xung quanh. Sự phát triển của kỹ năng giác quan phụ thuộc vào khả năng hình thành các liên kết thần kinh của não bộ - hoạt động này được thúc đẩy và ổn định trong khi ngủ.

Ngủ giúp các hệ thống trong cơ thể lọc và hạn chế những tác động tiêu cực đến các giác quan của chúng ta.

10 - Tăng khả năng sáng tạo

Giấc ngủ ngắn vào buổi trưa giúp cải thiện hoạt động nói chung của cơ thể, đặc biệt là thúc đẩy sự sáng tạo. Máy tính sẽ không thể làm việc tốt khi bị quá tải do quá nhiều tập tin, làm sạch các tập tin này làm cho máy hoạt động tốt hơn.

Khi ngủ, chúng ta giúp não khởi động lại một số khu vực não bộ, làm phát sinh các ý tưởng mới hoặc khả năng giải quyết vấn đề.

Nghiên cứu gần đây chỉ rõ bán cầu não phải - vùng não liên quan đến sự sáng tạo được kích hoạt lúc ngủ trong khi vùng não trái vẫn “im lặng”. Điều này giúp chúng ta sáng tạo hơn trong khả năng giải quyết vấn đề.

Huệ Trần 
(t
heo Reader’s Digest)