Phật giáo nước ngoài Thứ sáu, 07:03, 14/06/2019 GMT+7

Thực hành Chánh pháp để mang lại lợi ích cho xã hội

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia Sar Kheng cho biết vào hôm thứ Bảy vừa qua, Chính phủ Vương quốc Campuchia vừa thực hiện một chiến lược lớn đối với Phật giáo khi cho xây dựng lại hầu hết các ngôi chùa trên toàn quốc.

Tuy vậy, vấn đề quan trọng hiện tại là làm sao nâng cao chất lượng thực hành những lời dạy của Đức Phật để thực sự mang lại lợi ích cho xã hội.

Phát ngôn này được đưa ra khi ông Sar Kheng tham dự một khóa lễ cúng dường chư Tăng được tổ chức tại một ngôi chùa thuộc xã Popeus, huyện Svay Antor, tỉnh Prey Veng. Cùng với đó, ông Sar Kheng cũng liệt kê những thành tựu về phát triển của đất nước Campuchia trong thời điểm hiện tại.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia Sar Kheng dự lễ cúng dường chư Tăng

“Chúng ta đạt được những phát triển vững bền, nhanh chóng về cơ sở hạ tầng cho quốc gia. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta đã xây dựng hàng loạt ngôi chùa, các cơ sở phúc lợi của Phật giáo cũng như hệ thống trường học được tài trợ. Tất cả các cơ sở này được xây dựng khá nhanh chóng với khoản chi phí lên đến hàng triệu đô-la Mỹ. Nhìn chung, đây là đợt chi tiêu tương đối lớn của chính phủ. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh một khía cạnh quan trọng hơn trong phương diện thực thi, đó là cần phải đảm bảo chắc chắn rằng Phật giáo phải có sự ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ đối với xã hội”, Bộ trưởng Sar Kheng nói.

Ông Sar Kheng đồng thời cũng là Phó Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia, cho rằng mặc dù nhiều ngôi chùa được xây dựng lại khang trang, nhưng nếu không nhiều người đến để học và hành trì giáo pháp của Đức Phật thì ngôi chùa cũng chẳng hữu dụng gì.

Theo vị lãnh đạo này, trên toàn đất nước Campuchia có hơn 5.000 ngôi chùa với 60.000 tu sĩ Phật giáo cùng sống chung tu học.

So sánh về độ tín tâm và thực hành giáo lý Đức Phật tại Campuchia với các tôn giáo khác, ông Sar Kheng thông tin các tín đồ của Hồi giáo thể hiện sự kính ngưỡng tôn giáo ổn định hơn bất cứ nơi nào.

Ngay trong phòng làm việc hay nơi câu cá, theo ông Sar Kheng, tín đồ Hồi giáo cũng có thể quỳ rạp người xuống để lễ lạy Thánh Allah. Trong trường hợp đang ngồi trên thuyền, họ cũng không ngần ngại làm như thế. Bộ trưởng Sar Kheng cũng cho biết, tín đồ Thiên Chúa giáo cũng thể hiện niềm tin tương tự.

Dịp này, ông Sar Kheng khẳng định các cơ quan chính phủ luôn có nhiệm vụ duy trì nền hòa bình cũng như tăng cường an ninh xã hội và trật tự công cộng bằng cách đấu tranh chống lại mọi hành vi phạm tội và các bất công trong xã hội.

Nếu như không một ai trong xã hội phạm phải những hành vi xấu ác như trộm cắp, bóc lột và bạo lực thì theo ông Sar Kheng, điều đó có nghĩa là người dân đã có quá trình thực tập giáo lý nhà Phật cũng như tuân thủ những quy định của nhà nước một cách nghiêm túc.

“Một xã hội tốt đẹp và an toàn, người dân sẽ sống trong yên bình mà không phải lo sợ bất cứ điều gì. Và khi xã hội đã ổn định như thế, chắc chắn sự phát triển và tiến bộ sẽ đạt được”, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sar Kheng khẳng định.

Trong một động thái liên quan, vào hôm Chủ nhật vừa qua, người phát ngôn của Bộ Nghi lễ và Tôn giáo Campuchia Seng Somony cho biết cơ quan này đang tiếp cận và có nhiều động thái giúp sự phát triển của của đạo Phật.

“Chúng tôi đã tiến hành tập huấn cho các vị lãnh đạo cộng đồng Phật giáo và trang bị cho họ các kiến thức pháp luật, quản trị để họ có thể hiểu thêm về luật trong nước cũng như những thông lệ quốc tế”, ông Seng Somony thông tin.

Ông Somony cũng cho biết hệ thống giáo dục Phật giáo tại Campuchia cũng đã bổ sung giảng dạy một loạt các nội dung liên quan đến phòng chống ma túy, AIDS, các hành vi xấu khác trong xã hội.

Theo người phát ngôn của Bộ Nghi lễ và Tôn giáo Campuchia, thực hành niềm tin theo Phật giáo trong nước không giảm nhưng sự tiến triển tín đồ có thể chậm hơn so với sự phát triển của khoa học và các hoạt động thế tục.

“So sánh có vẻ khập khiễng, nhưng hiện thực này có thể ví như việc chúng ta đang ngồi trong một chiếc xe hơi và và một chiếc xe khác vượt qua, có vẻ như chúng ta đang đi chậm, mặc dù phương tiện mà ta đang điều khiển cũng di chuyển tương đối nhanh”, ông Somony chia sẻ.

Trong khi đó, nhà phân tích độc lập Lao Mong Hay lại khẳng định, tại Campuchia hiện nay, một số ngôi chùa giống như những nơi thờ tự trống rỗng, vì nhiều nhà sư Phật giáo giống như những người dân thường mặc pháp phục với sự hiểu biết ít ỏi về kiến thức Phật giáo và lời Phật dạy.

Rất nhiều chư Tăng trẻ, theo ông Mong Hay, có vẻ như thể hiện sự quan tâm đến đời sống thế tục hơn là nghiên cứu Phật học và thường quyết định xa rời đời sống tu viện sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Nhà nghiên cứu này cho rằng tu sĩ Phật giáo trước hết và tiên quyết phải có sự am hiểu về Phật giáo, trở thành những nhà lãnh đạo tâm linh thực thụ.

Được như vậy, chư Tăng mới có thể đưa ra những hướng dẫn về thực hành tâm linh đến với mọi người, tăng cường những nhận thức của xã hội về Phật giáo và giữ gìn văn hóa, đạo đức xã hội.

“Có vẻ như các vị tu sĩ Phật giáo vẫn chưa hoàn thành vai trò quan trọng trong xã hội, điều này cần phải xem xét và có sự điều chỉnh vì nó ảnh hưởng đến xã hội, cũng giống như đào tạo và chọn lựa một vị lãnh đạo đất nước,” ông Mong Hay nhấn mạnh.

“Các tu viện Phật giáo cần có sự gắn kết và phục vụ cộng đồng xã hội để xã hội lớn mạnh và tương hỗ lẫn nhau”, nhà phân tích Mong Hay đề nghị.

Bảo Thiên 
(theo PPP)