Nếu cuộc sống của bạn đầy ắp sự căng thẳng và áp lực (stress), bạn có nguy cơ mất trí nhớ cao và chức năng não bộ của bạn sẽ suy giảm trước tuổi 50 - theo kết quả một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí Thần kinh học.
Nếu cuộc sống của bạn đầy ắp sự căng thẳng và áp lực (stress), bạn có nguy cơ mất trí nhớ cao - Ảnh minh họa
Mức hormone stress cortisol cao chính là yếu tố giúp dự đoán hoạt động của não bộ, kích thước não và biểu hiện của não bộ qua các bài kiểm tra khả năng tư duy. Các chuyên gia phát hiện rằng, tình trạng mất trí nhớ và sút giảm chức năng não ở người tương đối trẻ tuổi đã kéo dài khá lâu trước khi có thể quan sát thấy các biểu hiện, chúng ta cần hiểu biết một cách sâu sắc về việc cần sớm có giải pháp giảm stress.
Cortisol là một trong những hormone stress chính yếu trong cơ thể. Khi chúng ta căng thẳng và bị áp lực ở mức báo động, tuyến thượng thận sản xuất nhiều cortisol hơn. Sau đó, hormone này sẽ làm việc để đóng tắt các chức năng khác nhau của cơ thể.
Khi cơn khủng hoảng đi qua, mức cortisol sẽ giảm xuống và các hệ thống trong cơ thể sẽ trở lại bình thường. Nhưng nếu “nút báo động của cơ thể” cứ luôn được “bấm giữ”, cơ thể chúng ta có thể tiếp tục suy yếu, dẫn đến các bất ổn như: lo lắng, suy nhược, bệnh tim mạch, đau đầu, tăng cân, rối loạn giấc ngủ và các vấn đề về trí nhớ, sự tập trung.
Não chúng ta đặc biệt nhạy cảm và tất cả các dưỡng chất cần thiết để hoạt động một cách tối ưu, theo các chuyên gia.
“Não là cơ quan hay ‘bị đói’ và cần rất nhiều các dưỡng chất, khí oxy để được khỏe mạnh và hoạt động một cách tốt nhất. Vì thế, khi cơ thể cần các nguồn dưỡng chất để đương đầu với stress, sẽ có ít dưỡng chất được đưa đến não” - TS.Keith Fargo, Hiệp hội Alzheimer giải thích.
Mức stress cao và mất trí nhớ
Các tiền nghiên cứu đã phát hiện mối quan hệ giữa cortisol và nguy cơ mất trí nhớ nhưng chỉ tập trung ở đối tượng người cao tuổi và vùng trí nhớ của não (hồi hải mã).
Nghiên cứu mới này tiến hành trên người có tuổi trung bình là 48, có thực hiện MRI scan toàn bộ khối não chứ không chỉ hồi hải mã.
Nghiên cứu tiến hành trên 2.000 người không có dấu hiệu mất trí nhớ và được yêu cầu thực hiện các bài kiểm tra tâm lý để đo các kỹ năng tư duy.
Sau khi xem xét tất cả các yếu tố khác có liên quan như: tuổi tác, giới tính, chỉ số khối cơ thể, hút thuốc lá… kết quả cho thấy người có mức hormone stress cortisol cao nhất bị mất trí nhớ nhiều nhất. Và người bị stress gặp nhiều khó khăn trong xử lý các bài kiểm tra khả năng tư duy.
Stress cũng ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ
Đáng ngạc nhiên là các kết quả của nghiên cứu cho thấy tác động của mức cortisol lên cấu trúc của não.
Mức hormone stress cortisol cao có liên quan đến nhiều sự phá hủy ở các phần của não như phần não chịu trách nhiệm vận chuyển thông tin đến não và giữa hai bán cầu não. Ngoài ra, não của người hay bị stress nặng (có mức cortisol cao) có khối lượng não nhỏ hơn, hai bán cầu não chịu trách nhiệm suy nghĩ, cảm xúc, phát ngôn và các chức năng cơ cũng nhỏ hơn.
Khối lượng não bộ tổng cộng trung bình ở người có mức cortisol cao là 88,5% tổng khối lượng não, so với tỷ lệ 88,7% ở người có mức cortisol bình thường.
Nếu bạn đang quan sát thấy những thay đổi trong cấu trúc của não, bạn có thể tưởng tượng được điều gì đang xảy ra trước lúc bạn đến tuổi mất trí nhớ”, các chuyên gia nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ phát hiện tác động của cortisol lên khối lượng não bộ chỉ quan sát thấy ở người nữ mà thôi. Lý do là vì estrogen có thể làm tăng mức cortisol. Có khoảng 40% người nữ trong nghiên cứu thuộc nhóm có mức cortisol cao là người sử dụng liệu pháp thay thế hormone - theo TS. Richard Isaacson, người điều hành Trung tâm Ngăn chặn Alzheimer, Weill Cornell Medicine.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của thể dục, vận động trong việc giúp giảm nguy cơ phát triển chứng mất trí nhớ.
Trần Trọng Hiếu
(theo CNN Health)