Y học & Sức khỏe Thứ năm, 06:14, 20/06/2019 GMT+7

Say xỉn ảnh hưởng thế nào đến não bộ?

Chúng ta đều biết rằng một khi đã say rồi thì tuyệt đối không nên điều khiển các phương tiện giao thông. Theo một phân tích quy mô lớn gần đây, thậm chí khi cồn từ bia rượu không còn trong máu nữa thì tác động của cồn vẫn còn tồn lại khá lâu trong não bộ của chúng ta.


Cồn từ bia rượu không còn trong máu nữa thì tác động của cồn vẫn còn tồn lại khá lâu trong não bộ

Kết quả nghiên cứu này được phát hành váo cuối tháng 8 qua trên tạp chí Addiction, khẳng định: Nếu bạn say nặng vào buổi tối thì sáng hôm sau khả năng tư duy của bạn vẫn còn bị tác động - trí nhớ, sự tập trung, khả năng kết nối hoặc thậm chí là kỹ thuật điều khiển phương tiện giao thông (lái xe) đều bị ảnh hưởng.

“Say rượu để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động bình thường mỗi ngày như lái xe, các kỹ năng cần thiết khi làm việc như trí nhớ và sự tập trung” - tác giả nghiên cứu Sally Adams, khoa Tâm thần học Đại học Bath (Vương quốc Anh) nhấn mạnh.

Trong nghiên cứu này, các chuyên gia phân tích 19 tiền nghiên cứu với sự tham gia của khoảng 1.100 người. Tất cả các nghiên cứu đều kiểm tra các khả năng tư duy sau khi người tham gia say nặng, tại thời điểm nồng độ cồn trong máu ít hơn 0,02%. Mức cồn cho phép trong máu để có thể lái xe ở Hoa Kỳ là thấp hơn 0,08%.

Kết quả nghiên cứu cho thấy quá trình tư duy bị suy giảm mạnh sau khi say xỉn, dù đã tỉnh rượu vào sáng hôm sau. Và nếu một sinh viên đã chè chén quá mức đêm trước thì sáng hôm sau sẽ không có khả năng ghi nhớ bài giảng trên lớp, so với các sinh viên không bia rượu. Và khi lái xe, khả năng phản xạ lại tín hiệu đèn giao thông cũng kém hiệu quả hơn.

Các chuyên gia sẽ tiếp tục nghiên cứu để kiểm tra tác động của cồn lên nhận thức, đặc biệt là các chức năng xử lý của não bộ như khả năng giải quyết vấn đề và khả năng đưa ra quyết định. Sắp tới, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu tác động của hút thuốc lá và thiếu ngủ đến khả năng làm việc của não bộ.

Đức Hòa 
(theo Live Science)