Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD - chronic obtructive pulmonary disease) là bệnh phổi mãn tính làm cho việc thở mỗi lúc một trở nên khó khăn hơn.
Bệnh này ảnh hưởng đến 11 triệu người dân Hoa Kỳ và là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở quốc gia này, theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (ALA).
Tiến trình bệnh COPD
Triệu chứng
COPD gây khó thở bởi việc giảm dòng không khí qua phổi. Dòng lưu thông khí bị giảm có thể do viêm nhiễm (đường thở có thể bị hẹp lại và mất đi tính đàn hồi), mô phổi bị phá hủy, sự đóng tụ của các dịch nhầy - theo ALA.
Các triệu chứng của COPD thường rõ ràng hơn theo thời gian và không xuất hiện cho đến khi bệnh nhân đến tuổi 40. Thường thì chúng ta không nhận ra các dấu hiệu của COPD cho đến khi bệnh tiến triển đến giai đoạn sau.
Theo Bệnh viện Mayo, các biểu hiện phổ biến của COPD là: tức ngực, khó thở, môi hoặc các đầu móng tay xanh tái, thở khò khè, mỗi sáng điều đầu tiên cần làm là khạc hết các đàm nhớt trong cổ họng, thường bị viêm nhiễm đường hô hấp, thiếu năng lượng, giảm cân đột ngột (thường xuất hiện vào giai đoạn sau của bệnh), sưng tấy ở mắt cá chân, bàn chân hay phần chân.
Các biểu hiện này có thể nghiêm trọng hơn trong vài ngày và có thể xử lý ổn định rồi sau đó lại nghiêm trọng trở lại.
Để xem xét các triệu chứng, bác sĩ sẽ cho kiểm tra chức năng phổi, chụp X-quang ngực, chụp CT phổi, kiểm tra khí máu động mạch để chẩn đoán COPD.
Nguyên nhân gây bệnh
COPD được phát triển do sự tiếp xúc lâu dài với các khí hay các chất độc hại. Ở các nước đang phát triển, nguyên nhân chính yếu nhất gây ra bệnh này là hút thuốc lá, dù chỉ có khoảng 20-30% người nghiện thuốc lá phát triển COPD - theo Bệnh viện Mayo.
Ở các nước phát triển, sự tiếp xúc với các khí từ đốt nhiên liệu nấu nướng, sưởi ấm trong nhà có thông khí kém là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh này. Rối loạn gene thiếu alpha-1 antitrypsin cũng là nguyên nhân của COPD, sự vắng mặt của loại protein có thể gây hại cho phổi.
Các yếu tố khác góp phần phát triển COPD là khí thủng phổi (emphysema), sự phá hủy thành phế nang do hút thuốc, các loại khí và chất độc hại, viêm phế quản mãn tính.
Điều trị như thế nào?
Chưa có trị liệu cho COPD nhưng bệnh này có thể được trị khỏi. Người mắc chứng COPD có nguy cơ cao phát triển bệnh tim mạch, ung thư phổi và các bất ổn sức khỏe khác - theo Bệnh viện Mayo. Vì thế, ngăn ngừa các bệnh tật khác và điều chỉnh các triệu chứng bệnh chính là chìa khóa điều trị bệnh.
Bệnh nhân mắc chứng COPD được khuyến khích cai thuốc lá, thường được kê toa để giảm các triệu chứng và biến chứng của bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể phẫu thuật phục hồi phổi để giảm nhẹ triệu chứng, có khi cấy ghép phổi. Các nhà nghiên cứu cũng đang thử nghiệm nuôi phổi mới từ các tế bào gốc. Các tế bào này được chiết tách từ máu hay tủy xương của bệnh nhân - được coi là giải pháp để làm lành các mô phổi bị tổn thương.
Ngăn ngừa bệnh bằng cách nào?
TS.Jonathan Parsons, Trung tâm Y khoa Wexner thuộc Đại học Bang Ohio gợi ý các cách để giữ cho phổi được khỏe mạnh:
- Hoàn toàn tránh xa khói thuốc lá. Khói thuốc chính là điều tệ hại nhất đối với phổi chúng ta, thậm chí hít khói thuốc lá thụ động cũng nguy hại.
- Tìm đến nguồn không khí sạch. Các bệnh nhân bị suyễn hay COPD càng cần hạn chế đến mức thấp nhất sự tiếp xúc với nguồn không khí chất lượng kém.
- Tập thể dục. Bản thân việc tập thể dục không làm cho phổi khỏe hơn nhưng cho phép phổi cung cấp đầy đủ khí oxy hơn cho tim và các cơ.
- Ăn các loại thực phẩm có hàm lượng chất chống oxy hóa cao như các loại dâu, các loại rau cải có lá xanh, khoai lang, đậu hạt các loại, nước ép lựu, cà phê (với lượng vừa phải). Đây là các thực phẩm có lợi cho phổi.
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với các mối đe dọa cho phổi khi làm việc (khói bụi, vật bụi, mùi nước sơn và khói xăng dầu).
- Tiêm ngừa cúm hàng năm để ngăn viêm nhiễm đường hô hấp.
- Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ nếu được kê toa thuốc điều trị COPD.
Đức Hòa
(theo Live Science)