Y học & Sức khỏe Thứ tư, 06:53, 19/06/2019 GMT+7

Ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ

May mắn sống sót sau cơn đột quỵ ở tuổi 28, ba năm qua sức khỏe chị Ngọc Anh ở Đồng Nai vẫn bị ảnh hưởng.

"Các bác sĩ chẩn đoán tôi bị đột quỵ, nhưng tôi không tin. Tôi khi ấy chỉ mới 28 tuổi, không ai bị đột quỵ ở độ tuổi trẻ như vậy", chị Anh chia sẻ.

Theo bác sĩ điều trị, chị Anh có chỉ số cholesterol cao, là nguyên nhân xuất hiện ba cục máu đông hình thành đầu tiên ở chân, sau đó đi qua tim và lên não. Hiện tại, chị phải uống thuốc kiểm soát cholesterol mỗi ngày để ngăn ngừa cơn đột quỵ khác có thể xảy ra.

Chị Anh cho biết hối hận khi không quan tâm đến xét nghiệm cholesterol hay huyết áp vì nghĩ mình còn quá trẻ để lo lắng. Đã ba năm sau cơn đột quỵ, sức khỏe chị vẫn bị ảnh hưởng. Thỉnh thoảng, chị không nhớ được từ ngữ khi giao tiếp mà phải vòng vo mô tả chúng.


Nhiều người trẻ chủ quan vì nghĩ bệnh đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Ảnh: Net Doctor

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP.HCM, giới trẻ thường chủ quan nghĩ rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Do đó, không ít người trẻ khi nhập viện được chẩn đoán đột quỵ tỏ ra rất bất ngờ.

"Đột quỵ ở người trẻ thường do bệnh tim, dị dạng mạch máu não, một số trường hợp vì uống thuốc ngừa thai, thuốc kích thích gây viêm hoặc vỡ mạch máu. Ngoài ra, lối sống không lành mạnh là nguyên nhân khiến đột quỵ ngày càng trẻ hóa", bác sĩ Hà nói.

Để phòng tránh, giới trẻ nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe, tầm soát đột quỵ định kỳ. Những xét nghiệm sàng lọc về cholesterol, huyết áp và đường huyết giúp bác sĩ đánh giá nguy cơ và phòng chống đột quỵ hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, nên duy trì lối sống lành mạnh, ngủ sớm, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường vận động, giảm ăn mặn và mỡ béo, ăn nhiều rau xanh và trái cây.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 230.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và chỉ 10% trong số những người sống sót bình phục hoàn toàn. Ba năm qua số người đột quỵ phải nhập viện tăng lên 1,7-2,5%, trong đó bệnh nhân nam cao gấp 4 lần nữ giới.

Bác sĩ Vũ Anh Nhị, Chủ tịch Hội Thần kinh học TP.HCM, cho biết trước đây đột quỵ được xem là bệnh của người cao tuổi, với độ tuổi trung bình từ 55 trở lên. Người bệnh đang có xu hướng trẻ hơn trong những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 83.000 bệnh nhân trong độ tuổi 40 đến 45, chiếm 1/3 tổng trường hợp đột quỵ. Nhiều bệnh viện tiếp nhận cấp cứu người bệnh khi mới 20 tuổi hoặc trẻ hơn.

Cẩm Anh
(VnExpress)