Phật giáo nước ngoài Thứ ba, 07:34, 18/06/2019 GMT+7

Mỹ kêu gọi Trung Quốc đối thoại với ngài Dalai Lama

Đại sứ Branstad cho rằng Trung Quốc nên mở cuộc "đối thoại thực chất" với ngài Dalai Lama nhằm giải quyết bất đồng.


Đại sứ Mỹ Terry Branstad (phải) gặp các lãnh đạo tôn giáo, văn hóa Trung Quốc tại Lhasa, Tây Tạng hôm 22/5. Ảnh: AFP.

"Đại sứ khuyến khích chính phủ Trung Quốc đối thoại thực chất với ngài Dalai Lama hoặc đại diện của ngài mà không nêu điều kiện tiên quyết để tìm kiếm giải pháp cho các bất đồng", phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc hôm 26-5 thông báo.

Đại sứ Mỹ Terry Branstad vừa có chuyến thăm hiếm hoi tới tỉnh Thanh Hải, phía tây bắc Trung Quốc, nơi sinh sống của nhiều người Tây Tạng, cũng như Khu tự trị Tây Tạng, nơi các nhà ngoại giao và báo chí nước ngoài ít khi được tiếp cận.

Trong chuyến thăm Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng, đại sứ Brandstad đã tới cung điện Potala, nơi ở cũ của ngài Dalai Lama và ngôi chùa Jokhang linh thiêng nhất của Phật giáo Tây Tạng với lịch sử hơn 1.300 năm. Ông cũng gặp các lãnh đạo tôn giáo và văn hóa cấp cao của khu tự trị này.

"Đại sứ bày tỏ lo ngại về việc chính phủ Trung Quốc can thiệp vào quyền tổ chức và thực hiện các nghi thức tôn giáo của Phật tử Tây Tạng", phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ nói. "Ông nêu quan ngại lâu nay của chúng tôi về việc hạn chế quyền tiếp cận Khu tự trị Tây Tạng".

Trung Quốc bị các nhóm nhân quyền cáo buộc đàn áp tôn giáo, văn hóa Tây Tạng và phong trào ly khai, nhưng Bắc Kinh phủ nhận, cho hay chính quyền bảo vệ tự do tôn giáo và đã đầu tư mạnh để hiện đại hóa khu vực và nâng cao mức sống cho người dân.

Ngài Dalai Lama lưu vong ở Ấn Độ từ năm 1959 sau cuộc nổi dậy thất bại chống lại Trung Quốc. Nhà sư 83 tuổi ban đầu kêu gọi độc lập cho Tây Tạng nhưng bây giờ đang nỗ lực đạt thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc để Tây Tạng được cấp quyền tự trị lớn hơn.

Tuy nhiên, Trung Quốc coi ngài Dalai Lama là một người ly khai và các cuộc đàm phán không có tiến triển từ năm 2010. Các nhà quan sát cáo buộc Trung Quốc đang cố tình trì hoãn đàm phán để đợi tới khi ngài Dalai Lama viên tịch.

Bắc Kinh thường tỏ ra giận dữ với các nước cung cấp nơi cư trú cho nhà sư Tây Tạng. Năm 2016, khi ngài Dalai Lama thăm Mông Cổ trong chuyến đi được cho là do các Phật tử nước này tổ chức. Trung Quốc sau đó hủy các chuyến bay giữa Bắc Kinh và Ulaanbaatar.

Mỹ cũng như phần lớn các nước khác thừa nhận Tây Tạng là một phần của Trung Quốc, nhưng luôn bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền ở Tây Tạng và tuyên bố ủng hộ duy trì truyền thống cũng như bản sắc của khu tự trị này.

Hồng Hạnh (Theo AFP)
Nguồn: VnExpress