1 - Có lợi cho tim mạch
Măng tây có hàm lượng vitamin K cao, giúp cải thiện tình trạng cục máu đông. Các vitamin B trong măng tây giúp điều hòa các amino acid homocysteine - quá nhiều loại acid này có thể là yếu tố nguy cơ nghiêm trọng của bệnh tim mạch - theo Trường Y khoa Đại học Harvard.
Măng tây
Một cốc măng tây chứa khoảng 1 g chất xơ hòa tan, giúp hạ thấp nguy cơ bệnh tim và amino acid trong măng tây giúp tống thải lượng muối thừa ra khỏi cơ thể.
Măng tây có tác dụng kháng viêm nhiễm và chứa nhiều chất chống oxy hóa, đều có lợi cho sức khỏe tim mạch.
2 - Điều hòa đường huyết
Theo Bệnh viện Mayo, vitamin B6 có tác động đến mức đường huyết nên măng tây được khuyên lưu ý với người bị tiểu đường hay đường huyết thấp.
Tuy nhiên, người có mức đường huyết khỏe mạnh thì có thể có lợi từ khả năng điều hòa đường huyết của măng tây.
3 - Giảm nguy cơ tiểu đường tuýp 2
Cũng như với bệnh tim mạch, nguy cơ tiểu đường tuýp 2 tăng lên khi mức stress oxy hóa và mức viêm nhiễm tăng lên. Vì thế, các thành phần kháng viêm, các chất chống oxy hóa trong măng tây giúp loại thực phẩm này có tác dụng ngăn ngừa các bất ổn nói trên.
Một nghiên cứu của Anh quốc, phát hành năm 2011 trên tạp chí Dinh dưỡng Anh quốc gợi ý rằng: Măng tây có khả năng cải thiện tiết insulin và cải thiện chức năng tế bào beta, giúp giảm nguy cơ tiểu đường. Các tế bào beta là những tế bào duy nhất trong tụy sản xuất, tích trữ và phóng thích insulin.
4 - Khả năng chống lão hóa
Chất chống oxy hóa glutathione trong măng tây được cho là có khả năng làm chậm lão hóa, theo một nghiên cứu phát hành năm 1998 trên tạp chí The Lancet.
Ngoài ra, folate và vitamin B12 trong măng tây cùng hoạt động để ngăn chặn suy giảm khả năng tư duy. Nghiên cứu của Đại học Tufts phát hiện rằng, người cao tuổi có mức folate và vitamin B12 khỏe mạnh có kết quả kiểm tra tốc độ phản hồi và sự linh hoạt trí não tốt hơn người có mức folate và vitamin B12 thấp hơn.
5 - Tốt cho da
Glutathione trong măng tây giúp bảo vệ da khỏi sự ô nhiễm của môi trường và sự phá hủy của ánh sáng mặt trời.
Chất chống oxy hóa này cũng giúp tăng cường độ ẩm cho da, giảm nếp nhăn và làm da láng mịn hơn.
6 - Giúp ngăn ngừa sỏi thận
Măng tây có tác dụng lợi tiểu tự nhiên - theo nghiên cứu năm 2010 đăng trên tạp chí Y khoa Tây Ấn. Điều này giúp cơ thể loại bỏ lượng muối thừa và các chất độc, đặc biệt tốt cho người huyết áp cao và bị phù nề.
Do đó, các độc tố được tống ra ngoài, ngăn chặn sự hình thành sạn thận. Tuy vậy, Viện Quốc gia Hoa Kỳ về Y tế khuyên người bị rối loạn uric acid nên tránh ăn măng tây.
7 - Tốt cho thai phụ
Măng tây giàu folate nên có thể giúp bổ sung folate hàng ngày cho người nữ trong độ tuổi sinh con. Folate có thể giúp giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi. Vì thế, cần cung cấp đủ folate cho thai phụ là điều quan trọng.
8 - Tốt cho tiêu hóa
Măng tây giúp ổn định tiêu hóa nhờ có chứa nhiều chất xơ và protein. Hai thành phần này giúp di chuyển thức ăn ra khỏi đường ruột, làm giảm sự khó chịu trong khi tiêu hóa thức ăn.
Theo Đại học Bang Ohio, măng tây có chứa inulin, một loại chất xơ thực vật duy nhất có khả năng cải thiện tiêu hóa. Loại chất xơ này hỗ trợ cho các lợi khuẩn, cải thiện sự hấp thu dưỡng chất, giảm dị ứng và nguy cơ ung thư ruột kết.
9 - Tăng cường đề kháng và giảm nguy cơ ung thư
Các chất chống oxy hóa và các thành phần kháng viêm có trong măng tây đều giúp tăng đề kháng và giảm nguy cơ ung thư.
Các polysaccharide (các phân tử carbohydrate) có trong măng tây có khả năng làm giảm sự tăng trưởng của khối u gan ở vật thử, theo báo cáo trên tờ Dinh dưỡng năm 2016.
Một nhóm các dưỡng chất thực vật (phytonutrient) như saponin, có nhiều trong măng tây - chứa cả các thành phần hòa tan trong nước và trong dầu, nghĩa là có hoạt tính cao hơn các dưỡng chất thực vật khác. Chất này có thể làm giảm sự sản xuất các phân tử viêm nhiễm, thúc đẩy hoạt động của tế bào bạch cầu.
Một nghiên cứu năm 2017, trên tờ Biomedicine and Pharmacology cho rằng saponin trong măng tây là thành phần hữu dụng trong ngăn ngừa sự hình thành khối u thứ cấp.
Huệ Trần
(theo Live Science)