Cholesterol cao là nguyên nhân gây ra đột quỵ và các bất ổn tim mạch khác. Chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày có liên quan trực tiếp đến mức cholesterol của cơ thể.
Cholesterol cao là nguyên nhân gây ra đột quỵ và các bất ổn tim mạch khác
Dưới đây là những lời khuyên của bác sĩ dành cho người có mức cholesterol cao:
1 - Hấp thu các thực phẩm giàu magnesium
Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn có hàm lượng magnesium cao có thể giúp kiểm soát mức cholesterol xấu. Magnesium có tác dụng tương tự như thuốc statin trong giảm cholesterol xấu, cải thiện sức khỏe tim mạch mà không gây tác dụng phụ như các thuốc giảm cholesterol khác.
Thiếu magnesium có thể dẫn tới đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim và thậm chí là đau tim.
2 - Theo dõi việc hấp thu đường
Chế độ ăn có hàm lượng đường cao có thể gây ra tiểu đường và làm tăng mức cholesterol.
Xây dựng chế độ ăn thực vật, mức protein vừa phải, tránh tinh bột và đường tinh luyện không những giúp giảm cân mà còn giúp kiểm soát cholesterol và triglycerid.
3 - Nên có chế độ ăn giàu chất xơ
Chất xơ hòa tan có thể giúp giảm mức cholesterol xấu LDL. Các thực phẩm giàu chất xơ là ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, rau củ quả và các loại đậu hạt.
Bệnh viện Mayo khuyến nghị nên hấp thu từ 5 - 10 g chất xơ mỗi ngày.
4 - Năng vận động thể chất
Theo các chuyên gia tim mạch Đại học Y khoa Drexel, mỗi người nên đi bộ khoảng 45 phút hoặc đi bộ trên máy.
Ngoài ra cũng có thể tập aerobics ít nhất từ 2 - 2,5 giờ mỗi tuần.
5 - Chỉ ăn đủ khẩu phần
Khẩu phần ăn rất quan trọng, nếu ăn thêm ngoài khẩu phần quá nhiều bạn có thể làm tăng mức cholesterol.
“Không nên hấp thu quá mức nhu cầu calori của cơ thể. Nếu hấp thu nhiều hơn nhu cầu calori của cơ thể, bạn sẽ khó giảm cân dù có tập thể dục nhiều bao nhiêu đi nữa” - các chuyên gia khẳng định.
6 - Chuyển sang ăn chay
Chế độ ăn khỏe mạnh giúp loại bỏ nguy cơ bất ổn tim mạch. Ăn nhiều thực vật, hạn chế tối đa thực phẩm chế biến công nghiệp sẽ giúp giảm mức cholesterol, giảm sử dụng thuốc và giúp bệnh nhân thấy dễ chịu hơn.
7 - Bỏ thuốc lá hoàn toàn
Theo tạp chí JAMA và WebMD, hút thuốc lá làm giảm mức cholesterol có lợi HDL và làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành.
Một điếu thuốc lá mỗi ngày làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch.
8 - Theo chế độ ăn chống tăng huyết áp
Chế độ ăn Mediterranean với hàm lượng axit béo omega-3 cao là vũ khí chống lại cholesterol cao.
Theo Trung tâm Y khoa Đại học Maryland, omega-3 làm tăng mức cholesterol có lợi, giảm viêm nhiễm và nguy cơ tim mạch, ung thư, bệnh viêm khớp.
9 - Thường xuyên đến gặp bác sĩ
Hãy tìm cho mình một bác sĩ tin tưởng và dễ dàng trao đổi, chia sẻ để bác sĩ có thể nắm rõ tình hình của bạn.
Ngoài ra thường xuyên đến gặp bác sĩ còn giúp khuyến khích việc giảm mức cholesterol cao của bạn thông qua các chia sẻ cá nhân về nhu cầu dinh dưỡng, các vấn đề sức khỏe khác.
10 - Ngủ đủ
Bạn nên ngủ ít nhất 6 giờ đồng hồ mỗi đêm. Thiếu ngủ là nguyên nhân phổ biến dẫn đến đột quỵ và bệnh tim mạch. Nếu khó hoặc mất ngủ, bạn nên đến gặp bác sĩ.
Với người có tuổi, cần lưu ý tắt các thiết bị điện tử trên giường ngủ, duy trì nhiệt độ phòng mát mẻ và cần ngủ khoảng 7 - 8 giờ mỗi đêm.
11 - Quản lý stress
Nghiên cứu đăng trên tờ Healthline cho thấy: Stress làm tăng mức cholesterol xấu. Stress có thể tác động đến khả năng duy trì sức khỏe, làm giảm phản hồi adrenaline-triglyceride gây ra tăng mức cholesterol xấu.
Mức stress cao có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch thậm chí đã kiểm soát được mức cholesterol.
12 - Lưu ý đến mức triglyceride
Bạn nên kiểm soát mức triglyceride tổng ở mức dưới 100. Người có mức triglyceride cao nên hạn chế hấp thu carbohydrate và tránh các thực phẩm chứa đường fructose, mật ong và các chất làm ngọt nhân tạo.
Huệ Trần (theo Reader’s Digest)