Y học & Sức khỏe Thứ năm, 06:19, 20/06/2019 GMT+7

Đeo kính áp tròng khi ngủ nguy hiểm như thế nào?

Bạn mệt mỏi, trời đã khuya và điều cuối cùng bạn muốn làm là nằm ngay xuống giường, ngủ một giấc nhưng đừng quên tháo kính áp tròng ra - nếu bạn có đeo kính áp tròng.

1/3 số người đeo kính áp tròng cho biết vẫn đeo kính này khi ngủ trưa hoặc ngủ vào ban đêm, theo một khảo sát của các bác sĩ nhãn khoa tại Hoa Kỳ.


Không tháo kính áp tròng khi ngủ làm tăng gấp 6-8 lần nguy cơ phát triển các viêm nhiễm cho mắt

Đa số chúng ta không biết rằng không tháo kính áp tròng khi ngủ làm tăng gấp 6-8 lần nguy cơ phát triển các viêm nhiễm cho mắt, theo một báo cáo phát hành giữa tháng 8 qua trong báo cáo hàng tuần Morbidity and Mortality Weekly Report của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC).

“Một trong những hành vi làm tăng nguy cơ viêm giác mạc liên quan đến kính áp tròng là vẫn đeo kính áp tròng khi ngủ. Và đây là một trong những hành vi phổ biến nhất được khảo sát ở người trưởng thành và thanh thiếu niên đeo kính áp tròng”, các chuyên gia nói rõ.

Các viêm nhiễm này được gọi là viêm giác mạc do vi khuẩn (microbial keratitis - MK) phổ biến ở người đeo kính áp tròng; các vi khuẩn này hay các vi sinh làm nhiễm trùng giác mạc mắt, theo báo cáo.

Các nhà nghiên cứu đã trình bày 6 trường hợp bệnh nhân ngủ mà không tháo kính áp tròng và phát triển chứng viêm giác mạc. Một số trường hợp viêm nhiễm dẫn đến hỏng giác mạc, mất thị lực và cần phải phẫu thuật để cải thiện.

Một ca trong số này là người đàn ông 34 tuổi, có thói quen ngủ mà không tháo kính áp tròng 3-4 đêm mỗi tuần và kể cả lúc bơi cũng đeo kính. Người này đến gặp bác sĩ trong tình trạng mắt nhìn không rõ và mắt trái bị đỏ; tuy được điều trị viêm giác mạc trong vài tháng nhưng các triệu chứng không được cải thiện. Nguyên nhân là do người này bị một dạng viêm nhiễm hiếm gặp - acanthamoeba keratitis gây ra bởi vi sinh đơn bào (amoeba), CDC cho biết. Dù được điều trị bằng liệu pháp mới nhưng người này vẫn bị mất một phần thị lực.

Một ca khác là cô gái 17 tuổi cũng thường xuyên đeo kính áp tròng khi ngủ và bị nhiễm khuẩn pseudomonas aeruginosa; viêm nhiễm này tạo thành một khối u ở giác mạc phải. Tuy viêm nhiễm được trị khỏi bằng thuốc nhỏ mắt nhưng bề mặt giác mạc bị sẹo vĩnh viễn.

Tuy các ca này không quá điển hình nhưng các chuyên gia nhấn mạnh rằng: Ngủ mà vẫn đeo kính áp tròng sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm bất kể chất liệu của kính là gì hay mức độ thường xuyên thế nào.

Một số loại kính áp tròng an toàn khi ngủ tuy được chấp thuận bởi Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây viêm nhiễm nếu không được tháo ra khi ngủ vào ban đêm.

Huệ Trần 
(theo Live Science)