Y học & Sức khỏe Thứ tư, 21:09, 19/06/2019 GMT+7

Chế độ ăn Keto có thật sự giúp giảm cân?

Keto, chế độ ăn gần đây “làm sóng gió” trong giới giải trí vì sự hứa hẹn về tác dụng giảm cân của nó. Nhưng Keto có thật sự giúp giảm cân hiệu quả và lâu dài hay không, mời bạn đọc tham khảo sự phân tích và giải thích về chế độ ăn này từ các chuyên gia dinh dưỡng.

Keto là hình thức rút gọn của ketogenic, liên quan đến việc ăn nhiều chất béo, lượng vừa phải protein và rất ít carb và thậm chí không ăn cả trái cây trong chế độ ăn hàng ngày. Nhiều người cho rằng chế độ ăn này giúp giảm cân, thúc đẩy năng lượng và giúp đầu óc tinh nhạy.


Ăn uống và cân nặng có mối liên hệ - Ảnh minh họa

Các chuyên gia nói gì về Keto?

“Không chính xác”. Đây là câu trả lời của các chuyên gia dinh dưỡng và nghiên cứu chế độ ăn về tác dụng nói trên của chế độ ăn Keto.

Theo đó, chế độ ăn có mức carb thấp (low carb) như Keto có thể giúp giảm cân một chút nhưng lại không hiệu quả như các chế độ ăn khác và cũng không mang đến sự cải thiện ở đối tượng là các vận động viên thể thao.

Keto - chế độ ăn cho người bị động kinh

Chế độ ăn Keto nguyên thủy không được thiết kế với tác dụng giảm cân mà là để cải thiện chứng động kinh.

Vào thập niên 20 của thế kỷ 20, các bác sĩ nhận ra rằng: Duy trì chế độ ăn có mức carb thấp sẽ khiến các bệnh nhân động kinh “buộc cơ thể mình sử dụng mỡ như nguồn năng lượng đầu tiên nhất thay vì glucose”. Khi chỉ có chất béo có sẵn để đốt cháy (sử dụng), cơ thể sẽ chuyển đổi các chất béo thành các axit béo và sau đó chuyển thành các hợp chất được gọi tên là ketons, loại hợp chất có thể được sử dụng như năng lượng cho tế bào của cơ thể.

Cung cấp ketons như nguồn năng lượng đầu tiên cho cơ thể lại giúp giảm các cơn co giật ở bệnh nhân động kinh - cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa hiểu được cơ chế này một cách thấu đáo.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các thuốc chống co giật, ít người bị động kinh phụ thuộc vào chế độ ăn này nữa - theo báo cáo khoa học năm 2008 đăng trên tạp chí Các lựa chọn điều trị mới nhất trong lĩnh vực Thần kinh học. Nhưng những bệnh nhân không đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc có thể áp dụng và được lợi ích từ chế độ ăn này.

Với tác dụng giảm cân, các chế độ ăn keto ngày nay là “hậu duệ” của các chế độ ăn low carb như chế độ ăn Atkins, phổ biến vào những năm 2000. Cả hai chế độ ăn này đều hạn chế carb. Theo đó, chế độ Keto chỉ hấp thu chưa tới 50 g carb mỗi ngày (trong khi một mẩu bánh mì nhỏ có thể chứa đến 16 g carb - theo USDA).

Chế độ ăn Keto buộc cơ thể ở vào trạng thái được gọi là ketosis, tức là các tế bào của cơ thể phụ thuộc chủ yếu vào các ketones để lấy năng lượng. “Vẫn chưa rõ vì sao chế độ ăn này lại có tác dụng giúp giảm cân”, chia sẻ của Jo Ann Carson - chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng Đại học Texas, chủ tịch Ủy ban Dinh dưỡng Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA).

Các chuyên gia giải thiết rằng ketosis làm “cùn lụt” khẩu vị (sự thèm ăn) và có thể tác động đến hoạt động của insulin. Các chất béo và protein có thể duy trì cảm giác no lâu hơn là các carb, dẫn đến việc giảm được mức calori chiung đưa vào cơ thể - Carson giải thích.

Giảm cân bằng chế độ ăn không mang lại hiệu quả lâu dài?

Các nghiên cứu về chế độ ăn và giảm cân đều cho thấy kết quả là không có chế độ ăn nào giúp giảm cân thêm sau 6 tháng thực hiện.

Theo nghiên cứu, sau 6 tháng thực hiện nghiêm ngặt và liên tục chế độ ăn low carb giảm được trung bình 8,73 kg; chế độ ăn ít béo giảm trung bình 7,99 kg so với người có chế độ ăn với chất béo và mức carb bình thường. Và đến tháng thứ 12, mức giảm cân của cả hai chế độ đều giảm, dừng lại ở mức giảm ở 7,27 kg so với người không áp dụng hai chế độ ăn này.

“Hiệu quả giảm cân sẽ khác nhau đối với từng người và tác dụng giảm cân từ các chế độ ăn thì rất nhỏ và điều tiên quyết trong giảm cân chính là tích cực vận động thể chất dưới nhiều hình thức thể dục, thể thao phù hợp với từng người” - các chuyên gia kết luận.

Trần Trọng Hiếu 
(theo Live Science)