Mức độ nguy hiểm của các vết lở miệng tùy thuộc vào các vết này tồn tại bao lâu và khó lành như thế nào, các chuyên gia cho biết.
Khi ăn, bạn có thể cắn vào môi của mình và các vết lở miệng được hình thành. Dù cảm thấy khó chịu nhưng hầu hết chúng ta thường bỏ qua các vết đau nhỏ hay các khối u nhỏ này trong miệng. Tuy nhiên, các vết lở miệng lại có thể nguy hiểm hơn trong một số trường hợp.
Các vết lở miệng có thể nguy hiểm
Vết lở miệng (trong vùng miệng) có nhân trung tâm màu vàng và bao bọc xung quanh là quầng đỏ có thể xuất hiện ở lưỡi, môi hoặc phầm mềm bên trong ở vị trí hai má. Các vết này có thể xuất hiện đồng thời, kéo dài từ 7 - 14 ngày thì lành hẳn ở người khỏe mạnh, theo Trung tâm Y khoa Providence Saint John, Santa Monica (California).
Các vết lở miệng có thể xuất hiện vài lần trong năm ở người trong độ tuổi từ 10 - 20, theo Bệnh viện Cleveland.
Không có câu trả lời chắc chắn về nguyên nhân gây ra các vết lở miệng. Các vết lở miệng có thể xuất hiện khi bạn bị stress, tổn thương nhỏ trong vùng miệng bị viêm nhiễm hay do răng cắn vào vùng mềm tạo ra các vết lở và gây sưng, đau. Ngoài ra, những thay đổi về nội tiết tố, nước súc miệng, thức ăn cay cũng có thể gây ra các vết lở miệng. Lưỡi và miệng xuất hiện các vết lở miệng cũng có thể do thiếu vitamin.
Có 2 loại vết lở miệng: vết lở miệng nhỏ (đơn giản) và vết lở miệng lớn (phức tạp). Các vệt lở miệng nhỏ có kích thước tương đối nhỏ, kéo dài khoảng 2 tuần và là loại lở miệng phổ biến nhất.
Các vệt lở miệng lớn ít phổ biến hơn, gây đau nhiều hơn, vệt đau lan rộng hơn và sâu hơn trên bề mặt phần mềm. Các vết này mất khoảng 4 - 6 tuần mới lành và đôi khi để lại sẹo. Nếu cảm thấy quá khó chịu, bạn có thể đến gặp bác sĩ.
Khi nào cần quan tâm nhiều đến các vết lở miệng?
Vì các vệt lở miệng gây đau, dẫn đến không uống đủ nước hay hấp thu dưỡng chất từ thức ăn, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta.
Ngoài dinh dưỡng, bạn cần lưu ý một số điều về diễn tiến không tốt của vết lở miệng như: vết lở phát triển lớn hơn, chảy máu, không biến mất sau vài tuần. Khi đó, bạn cần đi khám bệnh và kiểm tra vì các vết u vùng miệng xuất hiện ở người có các vấn đề tự miễn; viêm nhiễm đường ruột (phần ruột thẳng); thiếu vitamin B12, kẽm, axit folic, sắt - theo thông tin từ Bệnh viện Cleveland.
Nếu bạn có thêm các bất ổn như sút cân không chủ đích, đau tai, sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi về đêm thì có thể là biểu hiện của ung thư khoang miệng.
Lưu ý rằng, các vết lở miệng không phát triển thành ung thư nhưng khối u có thể xuất hiện giống như các vết lở.
Huệ Trần
(theo Reader’s Digest)