Y học & Sức khỏe Thứ tư, 19:45, 19/06/2019 GMT+7

Các phương cách phòng ngừa loãng xương

Loãng xương là một bệnh rối loạn chuyển hóa của xương gây giảm sức mạnh của xương, làm tăng nguy cơ gãy xương. Sức mạnh của xương bao gồm cả khối lượng và chất lượng của xương.

Để chống lại bệnh loãng xương cần phải xây dựng mật độ xương cao nhất vào độ tuổi 30 và giảm thiểu mất xương trong những năm sau đó. Tuy vậy, người tuổi trung niên hoặc cao tuổi vẫn có thể phòng ngừa nguy cơ loãng xương qua các thói quen sinh hoạt lành mạnh như: tập thể dục, đi bộ, hấp thu đầy đủ canxi và vitamin D.


Có thể phòng ngừa nguy cơ loãng xương qua các thói quen sinh hoạt lành mạnh như: tập thể dục, đi bộ - Ảnh minh họa

Canxi giúp xương chắc khỏe

Canxi là dưỡng chất quan trọng để xây dựng xương và làm chậm tốc độ mất xương. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng hấp thu quá nhiều canxi hoặc các sản phẩm sữa (kể cả các sản phẩm làm từ bơ sữa) có thể không tốt cho sức khỏe. Ngoài canxi, các dưỡng chất khác giúp giữ cho xương khỏe mạnh là vitamin D và vitamin K.

Theo khuyến nghị, mức canxi cần thiết cho cơ thể hàng ngày là 1.000 mg đối với người dưới 50 tuổi và 1.200 mg/ ngày cho người 51 tuổi trở lên.

Khi tuổi tác tăng dần, ruột hấp thu ít canxi từ chế độ ăn uống hơn và thận bảo tồn canxi kém hiệu quả hơn. Điều này dẫn đến việc cơ thể chúng ta “ăn cắp” canxi từ xương để thực hiện một loạt các chức năng trao đổi chất quan trọng.

Một số nghiên cứu cho thấy hấp thu canxi với lượng quá cao có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Do đó, nam giới nên tránh lạm dụng thuốc bổ sung canxi và cần hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn bổ sung canxi qua các chế phẩm dạng uống.

Vitamin D có tác dụng ngăn ngừa loãng xương

Để xây dựng xương chắc khỏe, ngoài canxi ra thì không thể thiếu vitamin D. Vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi. Nhiều nghiên cứu cho rằng tăng mức vitamin D có thể giúp ngăn ngừa loãng xương.

Vitamin D có mặt trong sữa, ngũ cốc, trứng, sữa chua, nước trái cây có bổ sung vitamin D và chế phẩm bổ sung dạng uống. Bên cạnh đó, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể giúp cơ thể sản xuất  vitamin D, khoảng 5 - 30 phút tiếp xúc ánh sáng mặt trời vào thời điểm từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều hai lần một tuần. Thực phẩm và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể giúp cơ thể có đủ mức vitamin D, nhưng nếu không có điều kiện, một số chuyên gia tư vấn sử dụng 1.000 IU vitamin D mỗi ngày từ các chế phẩm bổ sung.

Trần Trọng Hiếu 
(theo Live Science)