Y học & Sức khỏe Thứ sáu, 06:09, 21/06/2019 GMT+7

Cà-rốt có giúp ngăn ngừa đục thủy tinh thể?

Đục thủy tinh thể là hiện tượng tròng mắt bị “kéo mây” và “váng mây”. Tròng mắt là phần sáng rõ của mắt giúp tập trung hình ảnh, có chức năng như ống kính của máy ảnh. Đục thủy tinh thể làm mờ hình ảnh và làm cho các hình ảnh này mất màu sắc.

Hầu hết các bất ổn về đục thủy tinh thể đều liên quan đến sự lão hóa (theo tuổi tác). Hơn một nửa dân số Hoa Kỳ trên 65 tuổi mắc chứng đục thủy tinh thể.


Cà-rốt

Một câu hỏi thường được đặt ra cho các chuyên gia là liệu cà-rốt (củ cải đỏ), loại thực phẩm được khẳng định là tốt cho mắt có thể giúp ngăn ngừa bất ổn này hay không?

Cà-rốt có chứa beta-carotene, sắc tố cam có mặt trong một số loại thực phẩm khác như rau bó xôi, khoai lang, rau xà lách, dưa lưới vàng và bông cải xanh. Cơ thể chúng ta chuyển hóa beta-carotene thành vitamin A, dưỡng chất cần thiết để duy trì thị lực bình thường. Thiếu vitamin A có thể gây khó khăn khi nhìn trong bóng tối.

Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy việc bổ sung beta-carotene để ngăn ngừa đục thủy tinh thể vẫn chưa rõ ràng. Vẫn còn cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để có thể khẳng định điều này. Các chuyên gia khuyên không nên tự ý mua các chế phẩm bổ sung beta-carotene mà không tham khảo qua ý kiến bác sĩ.

Các chuyên gia Đại học Harvard đã nghiên cứu xem liệu bổ sung beta-carotene có thể bảo vệ khỏi đục thủy tinh thể do tuổi tác hay không. 22.071 người tình nguyện tham gia một nghiên cứu kéo dài trong 12 năm và có khoảng 2.000 người bị đục thủy tinh thể, gần 1.200 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể không được thuật báo. Trong hầu hết các trường hợp thì beta-carotene dường như không có tác dụng làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể.

Khẳng định về vai trò của beta-carotene với một số bất ổn sức khỏe

Beta-carotene là chất chống oxy hóa. Các chất chống oxy hóa có thể bảo vệ các tế bào khỏi bị phá hủy và được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như trái cây, rau quả, đậu hạt, ngũ cốc,… Beta-carotene còn có tác động đến nhiều bất ổn khác ngoài đục thủy tinh thể, được xác định qua nghiên cứu như sau:

- Hấp thu beta-carotene từ chế độ ăn hay uống dạng bổ sung đều không có ảnh hưởng gì đến nguy cơ mắc Alzheimer.

- Các chuyên gia lo ngại rằng các chất chống oxy hóa, trong đó có beta-carotene được sử dụng kết hợp với nhau có thể gây hại cho các bệnh nhân sau khi phẫu thuật tạo hình mạch vành. Cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác định tác dụng của beta-carotene trong lĩnh vực này.

- Chế độ ăn giàu beta-carotene được cho là có tác dụng làm giảm khả năng mắc một số loại ung thư nhưng dạng uống bổ sung lại có thể nguy hiểm và làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

- Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cho rằng các bằng chứng hiện hữu chưa đủ mạnh để có thể đi đến kết luận rằng chất chống oxy hóa beta-carotene có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

- Dạng bổ sung beta-carotene không được chứng minh là lợi ích cho bệnh nhân mắc bệnh bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) và cũng có thể làm tăng tỉ lệ ung thư ở người nghiện thuốc lá.

- Về lâu dài, beta-carotene có thể có lợi cho hoạt động nhận thức, chứ không phải trong thời gian ngắn.

- Dạng bổ sung beta-carotene không thể ngăn chặn viêm khớp nhưng có thể làm chậm diễn tiến bệnh. Vẫn cần thêm nghiên cứu để xác quyết điều này.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nên hấp thu beta-carotene chủ yếu qua chế độ ăn từ rau củ quả, ngũ cốc hơn là dùng dưới dạng bổ sung cho đến khi có thêm thông tin xác đáng từ các thử nghiệm lâm sàng. Hội Ung thư Hoa Kỳ và các tổ chức ung thư khác cũng đưa ra lời khuyên tương tự.

Đức Hòa 
(theo Huffington Post)