Giấc ngủ đủ và ngon đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.
Dưới đây là một số thói quen ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ cần tránh:
1 - Thức khuya làm việc
Hãy hoàn thành tất cả các công việc căng thẳng trong ngày càng sớm càng tốt. Nếu bạn còn làm việc gần đến giờ đi ngủ hay làm việc quá khuya, đầu óc của bạn sẽ vẫn cứ “chạy đua” trong khi cố gắng đi vào giấc ngủ.
Thay vì làm việc cận giờ ngủ, bạn nên tắm nước nóng, thiền tập hay lắng nghe vài giai điệu thư giãn. Điều này có lợi cho giấc ngủ và sức khỏe của bạn - lời khuyên từ Hiệp hội Giấc ngủ Hoa Kỳ.
Thức khuya làm việc gây hại cho sức khỏe, ảnh hưởng không tốt tới giấc ngủ - Ảnh minh họa
2 - Ngủ bù vào cuối tuần
Nhiều người vì không ngủ đủ giấc các ngày trong tuần đã xây dựng “kế hoạch ngủ bù” vào cuối tuần. Thêm thời gian ngủ vào ngày cuối tuần có thể giúp bù đắp sự thiếu ngủ nhưng ngủ quá nhiều cũng gây xáo trộn chu kỳ ngủ của bạn.
Và vì ngủ bù vào ban ngày, đến tối bạn lại thấy khó ngủ. Do vậy, bạn nên cân nhắc thời gian ngủ bù vừa phải và hợp lý để không ảnh hưởng đến giấc ngủ chính.
3 - Lướt mạng xã hội trước giờ ngủ
Cơ thể chúng ta có nhịp sinh học ngày và đêm để giúp xác định giờ nào nên đi ngủ và giờ nào nên thức giấc. Chu kỳ này kéo dài trong 24 giờ và não bộ của chúng ta sử dụng ánh sáng để nhận biết thời gian thức giấc.
Não bộ sử dụng ánh sáng để ra tín hiệu cho cơ thể sản xuất melatonin. Tuy nhiên, não không nhận biết được sự khác biệt giữa ánh sáng tự nhiên (ánh sáng mặt trời) và ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử như: điện thoại, ti vi, đèn bàn.
Các chuyên gia khuyên nên tắt các thiết bị điện tử khoảng 2 giờ đồng hồ trước giờ đi ngủ để có giấc ngủ tốt nhất.
4 - Đọc sách để dễ ngủ
Các hoạt động như đọc sách hay xem ti vi trên giường có thể làm cho cơ thể không thể nhận diện được đã đến giờ đi ngủ.
Cũng giống như ánh sáng từ màn hình các thiết bị điện tử khác, việc đọc sách hay xem ti vi cũng kích thích hoạt động của não bộ và làm cho bạn không buồn ngủ.
5 - Đánh răng ngay trước giờ đi ngủ
Dù đã buồn ngủ ríu mắt nhưng đánh răng xong bạn có thể sẽ rất tỉnh táo trở lại bởi ánh sáng phòng tắm, vị cay và lạnh của bạc hà trong kem đánh răng... Các dấu hiệu này làm cho não bộ tỉnh táo trở lại.
6 - Tập luyện thể chất vào ban đêm
Các hoạt động thể chất có thể giúp bạn ngủ ngon hơn nhưng cần phải tập luyện đúng thời điểm.
Tập luyện trễ hoặc gần giờ đi ngủ sẽ làm cho bạn tỉnh táo vì sự có mặt của các endorphin. Thời gian tập luyện tốt nhất là vào buổi sáng và buổi trưa trong ngày, theo các chuyên gia về giấc ngủ.
7 - Uống cà phê
Uống cà phê, trà hay soda trước giờ đi ngủ sẽ khiến mất nhiều thời gian để đi vào giấc ngủ hơn vì sự có mặt của caffeine trong cơ thể.
Uống cà phê vào buổi tối làm cho sự chuyển hóa caffeine càng chậm hơn và kết quả là bạn sẽ tỉnh táo nhiều giờ sau đó. Các nghiên cứu gợi ý: Để có giấc ngủ ngon, bạn nên ngưng uống cà phê từ 6 giờ chiều.
8 - Ăn tối trễ
Bụng đói có thể gây khó ngủ ngưng bạn nên tránh ăn tối trễ hoặc ăn nhiều trước giờ đi ngủ vì cơ thể sẽ cần năng lượng để tiêu hóa thức ăn.
Nếu đói bụng, một ít thức ăn nhẹ có thể tốt cho giấc ngủ như: ngũ cốc, đậu hạt, trà hoa cúc…
Huệ Trần
(theo Reader’s Digest)