Hôm qua, 12-6, chùa Báo Ân (X.Dương Quang, H.Gia Lâm) tổ chức lễ động thổ và phục dựng ngôi Tam bảo từng là nơi phát tích và truyền y bát của Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm.
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Dương Quang lên công bố quyết định của UBND huyện Gia Lâm về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.
Nghi thức tâm linh tại lễ động thổ
Bà Hương cũng báo cáo sơ bộ các hạng mục công trình như chánh điện, nhà thiền đường, phù điêu, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và các hạng mục công trình khác với gói đầu tư hơn 20 tỷ đồng tiền ngân sách cùng với hơn 40% khoản tiền xã hội hóa.
Thượng tọa Thích Thanh Quy - Trưởng BTS Phật giáo huyện Gia Lâm đã cảm ơn và mong các cấp lãnh đạo chính quyền quan tâm hơn nữa trong Phật sự này. Thượng tọa cũng mong muốn Phật tử và nhân dân xa gần chung tay xây dựng tu bổ tôn tạo chốn linh thiêng.
Đại diện các cấp lãnh đạo chính quyền huyện Gia Lâm, ông Lý Duy Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm phát biểu chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, các cá nhân có liên quan tích cực tham gia và ủng hộ xây dựng di tích chùa Báo Ân.
Sau đó, chư tôn đức Tăng và đại diện các cấp chính quyền đã thực hiện nghi thức động thổ khởi công xây dựng trùng tu chốn tổ Báo Ân.
Được biết, chùa Báo Ân xưa tọa lạc tại ven sông Thiên Đức - gần trung tâm Phật giáo Luy Lâu có tên gọi là chùa Siêu Loại - thuộc hương Siêu Loại, Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nay là xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Chùa là nơi phát tích của Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm nhưng chỉ thực sự hưng thịnh dưới thời nhà Trần và vị trụ trì Thiền sư Pháp Loa - Nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm
Nơi đây từng là nơi Sơ tổ trao truyền y bát cho Tổ Pháp Loa và từng là một trong những cơ sở An cư kiết hạ - trao truyền giới pháp của hơn 15.000 Tăng sĩ, cái nôi của rất nhiều các bậc danh tăng. Chùa Báo Ân còn là cơ sở in ấn kinh sách lớn nhất thời bấy giờ và xuất bản những quyển sách nổi tiếng như “Tam tổ Thực Lục”, “Tứ Phần Luật”...
Ngôi chùa Báo Ân xưa
Đợt trùng tu và tôn tạo lần này mong muốn tái tạo lại hình ảnh sống động huy hoàng của chốn thiền môn, phục dựng những giá trị tâm linh và lịch sử cho hậu thế thấy được thời kỳ vàng son một thời của Thiền phái Trúc Lâm và Phật giáo thời bấy giờ.
Tin, ảnh: Tuệ Hiếu