Phật giáo - Tuổi trẻ Thứ sáu, 22:00, 14/06/2019 GMT+7

Vị Đại đức mở lớp dạy ngoại ngữ, kỹ năng cho bạn trẻ

“Chỉ có giáo dục mới thay đổi con người và xã hội”, đó là chia sẻ tâm huyết của ĐĐ.Thích Hạnh Danh, trụ trì chùa Khánh Tân (xã Sơn Bình, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) khi quyết định mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ ở vùng xa này vào năm 2015.

Lúc đó, thầy vừa mới du học Myanmar về, thấy ngôn ngữ là chìa khóa mở ra nhiều cánh cửa, nhận rõ sự khó khăn của bà con trong cuộc mưu sinh, vậy là lớp học ra đời và cũng là con đường thầy đi vào hoằng pháp ở nơi đây.


ĐĐ.Thích Hạnh Danh hướng dẫn các bạn nhỏ phát âm trong giờ học tiếng Anh - Ảnh: N.Danh

Từ lớp tiếng Anh miễn phí

Một sáng sớm của ngày cuối tuần, người viết từ Sài Gòn chạy xe máy về Khánh Tân, theo QL.51, vào giao lộ Mỹ Xuân - Ngãi Giao và Ngãi Giao - Hòa Bình. Dù được tận tình chỉ dẫn, người viết vẫn mấy lần bị lạc, nên tới chùa, đã gần hết ca hai của lớp học, nhưng từ cổng chùa vẫn nghe vang tiếng đọc lớn của các bạn nhỏ trong giờ học phát âm, trong từng lời thầy hướng dẫn. Bên ngoài sân chùa, phụ huynh cũng đã chờ sẵn để đón con ra về.

Cứ mỗi sáng thứ Bảy và Chủ nhật, các bạn trẻ từ lớp 1 tới lớp 12 sẽ đến chùa học nghe, nói tiếng Anh miễn phí. Thầy Hạnh Danh cho biết, ở đây dạy theo hệ thống Anh văn cho người nước ngoài - các trường của Mỹ và Trường Oxford, rồi soạn lại cho phù hợp với các em ở địa phương. Khi vào học, các bạn bắt đầu học từ đầu, sau đó, thầy sẽ cho thi để phân trình độ, chia lớp. Mặc dù là lớp học miễn phí, nhưng thầy vẫn điểm danh rất kỹ và rất nghiêm: “vắng là hỏi lý do tại sao, còn nghỉ quá 3 buổi sẽ cho nghỉ luôn”. Thầy lý giải, vì trong lớp một em nghỉ một buổi là bữa sau sẽ không biết gì, dạy sẽ khó.

Khi các em đến lớp học tiếng Anh, thầy hướng dẫn các em niệm Phật trước khi học, hướng dẫn phép lịch sự, lối sống văn minh, đạo đức mà theo thầy - đó là những bước đệm tạo ra tình cảm, sự kết nối với các em nhỏ, với phụ huynh trong một hình thức mới mẻ hơn của đạo Phật.


Các bạn nhỏ chăm chú học tập tại chùa - Ảnh: N.Danh

… đến các hoạt động lợi ích cộng đồng địa phương

Với quan niệm “sống ở đâu, phải làm lợi ích cho ở đó”, nên từ khi về đây, thầy đã tạo một sinh khí mới nơi vùng đất nghèo này, không chỉ là giáo dục mà cả văn hóa, thể dục, thể thao, chương trình thiện nguyện, kỹ năng… Chính vì vậy, chương trình của chùa thu hút được nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt người trẻ rất thích thú với các hoạt động do thầy tổ chức và có nhiều thay đổi trong nhận thức của mình.

Là người trẻ, được thầy tin tưởng giao quản lý nhóm Thiện Tâm (chùa Khánh Tân), anh Phạm Như Tâm cho biết, nhóm đều đặn phát cơm từ thiện hàng tháng tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ năm 2016 tới giờ. Ngoài ra, nhóm cũng thường xuyên hỗ trợ các trường hợp khó khăn trong địa phương bằng việc đi tới tận nơi tìm hiểu thực tế hoàn cảnh, viết bài kêu gọi trên Fanpage nhóm và công khai minh bạch tài chính hàng tháng.

Sinh ra lớn lên ở vùng đất này, anh chia sẻ, người dân nơi đây nghèo lắm, làm rẫy là chủ yếu, nhưng do ít đất nên dễ sinh “nhàn cư vi bất thiện”, một vài tệ nạn phát sinh, ảnh hưởng đến cả các bạn nhỏ. Song, kể từ khi thầy về, mọi thứ thay đổi nhiều, vì các em nhỏ được đến chùa học về đạo đức, nhân quả.

Anh Như Tâm bày tỏ, bản thân lúc trước cũng “hơi quậy”, nhưng từ khi được gặp thầy, anh học sự hiền thiện nên tránh giao du với những người dữ. Tham gia các hoạt động do thầy tổ chức, như từ thiện tại địa phương, hội thao, đi trại, thi văn nghệ, và anh thích những hoạt động đó. Rồi anh chia sẻ: “Lúc trước người dân tu theo kiểu tối đi lễ là chính rồi về cúng kiếng. Khi về thầy cho tu thiền, học giáo lý Phật dạy nên có sự thay đổi rất nhiều. Bản thân tôi thích tu thiền và không thích cúng kiếng, nghi lễ phức tạp, nên rất thích những hoạt động do thầy tổ chức, mang lại lợi ích thiết thực”.

Sinh hoạt ở chùa được 8 năm, chị Kim Anh cho biết, từ lúc thầy về có nhiều thay đổi, thầy đặc biệt chú trọng tới giáo dưỡng lớp trẻ. Đầu tiên thầy mở lớp dạy Anh văn, mở Câu lạc bộ Thanh niên Hộ Pháp, hướng dẫn cho thanh thiếu niên học các kỹ năng sống, cũng như đưa Phật giáo đến gần hơn với tuổi trẻ thông qua các buổi hoạt động cuối tuần, hàng tháng.

Bên cạnh đó, thầy còn tổ chức Cúp bóng đá Tân Sơn - giao lưu thể thao giữa các đơn vị trong huyện. “Nhờ vậy người trẻ chúng tôi gắn bó với nhau hơn qua những hoạt động đó. Đồng thời tôi thích được theo thầy học thiền, những hoạt động thực sự có ý nghĩa giúp cho tôi hiểu rõ về Phật pháp hơn”, chị Kim Anh bày tỏ. 


Tổ chức Cúp bóng đá Tân Sơn giao lưu thể thao giữa các đơn vị trong huyện - Ảnh: Quốc Dung

Trước khi thầy về, các hoạt động ở chùa tổ chức rất ít, lâu lâu tổ chức Trung thu, lễ Tết làm từ thiện, nhưng quà rất hạn chế. “Thầy về, các hoạt động lúc nào cũng thu hút được rất nhiều đối tượng trong khu vực cùng tham gia, không chỉ chăm lo vật chất, mà cả về tinh thần nữa”, anh Đào Minh Hiền, thành viên nhóm Thiện Tâm kể.

Anh Hiền bộc bạch, trước đó, khi mới ra trường, nhiều vấn đề anh không biết hướng giải quyết, chưa định hướng về công việc, vạch kế hoạch, cứ nghĩ làm cái gì phải nhiều tiền mới làm được. Nhưng sau đó, anh Hiền học được từ thầy: phải có một kế hoạch tốt thì tự nhiên có tiền.

“Bản thân tôi, được học Phật pháp từ thầy, biết nhìn nhận lại cuộc sống, biết việc quan trọng mình cần làm là gì. Tôi có kế hoạch sống cho bản thân, làm việc có kế hoạch. Tự nhiên mấy năm nay cuộc sống khác đi, làm gì cũng suôn sẻ, đời sống vật chất tinh thần thoải mái, những mục tiêu đặt ra làm được dễ dàng hơn”, anh Đào Minh Hiền tâm đắc.

 “Lời dạy của Đức Phật là thiết thực cụ thể”

Từ trải nghiệm khi đi du học qua một số nước Phật giáo, ĐĐ.Thích Hạnh Danh nhận diện: “Người dân Myanmar từ nhỏ được đào tạo về đạo đức sống, nhân quả, nghiệp báo, họ tin chắc điều đó và quan trọng họ có thực tập, được tu tập ngay từ nhỏ, chuyển hóa tâm rất tốt. Đạo đức Phật dạy trở thành chuẩn mực sống nên văn hóa của họ là văn hóa Phật giáo, đạo đức của họ là đạo đức Phật giáo”.


Phát quà từ thiện đến bà con nghèo khu vực quanh chùa - Ảnh: chùa Khánh Tân

Tại địa phương, khi có nhiều bạn trẻ là Phật tử ra ngoài làm ăn thất bại, thiếu kỹ năng sống, về tâm sự với thầy, từ đó thầy xin phép thành lập Câu lạc bộ Thanh niên Hộ Pháp tháng 12-2018. Câu lạc bộ này trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh do thầy làm chủ nhiệm để “hướng dẫn các em kỹ năng sống, lý tưởng sống, những kỹ năng kiến tạo thành công thông qua lời Phật dạy”.

Theo đó, ở trong chừng mực nào đó, trong khả năng bản thân, làm được gì là thầy cố gắng làm, như lời thầy chia sẻ, từ lớp học, các hoạt động từ thiện, các chương trình giao lưu thể dục thể thao, văn hóa, tu học - là một hình thức chùa đóng góp cho xã hội. Tất cả đều với mong muốn: “truyền đạt xây dựng lý tưởng sống, kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, thông qua giáo lý Đức Phật”. Thầy chia sẻ, từ đó, các em sẽ thấy rằng đạo Phật là một đạo bàng bạc trong cuộc sống, đi vào cuộc sống và mang lại giá trị đích thực trong cuộc sống.

“Lời dạy của Đức Phật là thiết thực và cụ thể”, thầy Hạnh Danh bày tỏ.

Như Danh