Phật học Thứ năm, 06:47, 13/06/2019 GMT+7

Tu mau kẻo trễ

Tu tập cũng vậy, trẻ và khỏe là một lợi thế lớn, giúp hành giả duy trì kham nhẫn khó khăn, tinh tấn bền bỉ, miệt mài thiền định, nỗ lực quán chiếu, tận lực dấn thân phụng đạo. 

Hình ảnh đôi vợ chồng già tiều tụy tóc bạc, lưng còng ngồi chồm hổm hơ lửa bên vệ đường trong một sáng trời đông ở Xá-vệ tợ hai con hạc già xơ xác như một minh chứng cho sự tàn phá của thời gian. Đã qua rồi tuổi trẻ, sức khỏe, ước mơ và sự nghiệp, tuổi già đi liền với suy, yếu, bệnh và chết.

14lm.jpg
Một người trẻ chọn con đường xuất gia - Ảnh: langmai.org

“Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ sáng sớm Thế Tôn đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, có Tôn giả A-nan đi theo sau Thế Tôn.

Khi ấy có hai lão nam nữ là vợ chồng, tuổi đã cao, các căn đã chín, lưng còng như móc câu. Họ đến đầu ngõ hẻm, chỗ đốt phân rác, cùng ngồi chồm hổm hơ lửa. Thế Tôn thấy hai vợ chồng già này, tuổi đã cao, các căn đã chín, lưng còng như móc câu, giống như hai con hạc già nhìn nhau với tâm dục nhiễm.

Thấy rồi, bảo Tôn giả A-nan:

- Ông có thấy hai vợ chồng kia, tuổi đã cao, các căn đã chín, lưng còng như móc câu, cùng ngồi chồm hổm hơ lửa, giống như hai con hạc già nhìn nhau với tâm dục nhiễm chăng?

A-nan bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Phật bảo A-nan:

- Hai vợ chồng già này, vào thời thiếu niên, thân thể tráng kiện, nếu siêng năng tìm cầu tài vật, cũng có thể là gia chủ giàu có nhất trong thành Xá-vệ. Còn nếu họ cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, tinh cần tu tập, thì cũng có thể chứng được thượng quả đệ nhất A-la-hán.

Nếu ở giữa phần hai cuộc đời còn tráng kiện, siêng năng tìm cầu tài vật thì cũng có thể trở thành người giàu thứ hai trong thành Xá-vệ. Nếu họ cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, cũng có thể chứng được quả A-na-hàm.

Nếu ở giữa phần ba trung niên, siêng năng tìm cầu tài vật cũng có thể là người giàu thứ ba trong thành Xá-vệ. Nếu họ cạo bỏ râu tóc mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, cũng có thể chứng được quả Tư-đà-hàm.

Nếu ở phần thứ tư, khi tuổi già, siêng năng tìm cầu tài vật cũng có thể là người giàu thứ tư trong thành Xá-vệ. Nếu họ cạo bỏ râu tóc mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, cũng có thể chứng được quả Tu-đà-hoàn.

Nhưng ngày hôm nay, họ tuổi già, các căn suy yếu, không có tiền của, không có phương tiện, không có khả năng; lại không thể kham năng nếu có tìm kiếm tiền của, cũng không có cách nào để chứng đắc Pháp thượng nhân được.

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, phụng hành”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1162)

Pháp thoại này cho thấy quan niệm của một bộ phận người Việt “trẻ tu nhà, già tu chùa” xem ra chỉ đúng một phần rất nhỏ. Già mà tu chùa thì quý hóa nhưng chỉ bòn mót được chút phước mà thôi. Thực sự thì trẻ tu chùa mới quý. Sự rèn thân luyện tâm để “chứng đắc Pháp thượng nhân” đòi hỏi sức trẻ, chí nguyện và nỗ lực phi thường trong một thời gian dài.

Thế nên người có ước mơ, giàu hoài bão, muốn gầy dựng cơ nghiệp ở đời hay đạo thì cần bắt tay làm ngay khi ta còn trẻ và khỏe mới mong nhiều cơ hội thành tựu.

Quảng Tánh