Bạn đọc - Tòa soạn Thứ hai, 21:16, 17/06/2019 GMT+7

Niềm vui khi là con của Đức Như Lai

Nhiều bạn đọc đồng tình với quan điểm của tác giả về việc: “Phật tử chúng ta luôn làm điều gì đó để cúng dường Đức Thế Tôn. Và tôi cho rằng tự hào mình là Phật tử là một trong những cách cúng dường vô cùng ý nghĩa”.


Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân trước và sau khi xuống tóc - Ảnh: Fb nhân vật

Một bài viết khác, khi hay tin chuyên gia ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân (pháp danh Diệu Tịnh) xuống tóc xuất gia tại một ngôi chùa ở quận 12, TP.HCM, nhiều người không ngạc nhiên mà còn chúc mừng cô đã thực hiện được tâm nguyện của mình ở đời này.

Nối tiếp niềm hân hoan từ bản tin trên giacngo.vn trước đó, bài viết Luôn có Phật trong lòng, đã truyền cảm hứng cho bạn đọc, giúp mọi người hiểu hơn về phát nguyện xuất gia của cô Cẩm Vân. Đây là bài viết được chia sẻ nhiều nhất trên Facebook trong tuần (từ ngày 1 đến 8-6).

Theo đó, rất nhiều bạn đọc đã đồng cảm. “Với tôi, những điều Phật dạy rất thực tế, Phật ở trong tâm, Phật ở khắp mọi nơi. Cuộc đời ai cũng có lúc bị mê mờ. Được làm người đó là phước báo, biết được Phật pháp là một phước báo. Giờ tôi mới thấy nghĩa vụ của mình là con người thì sinh ra phải sống xứng đáng với tư cách là một con người”, một bạn đọc viết.

Bạn đọc Bình Lê bày tỏ: “Đọc được tâm sự của cô tôi thấy nhẹ lòng hơn. Cuộc đời của ai cũng có nhiều nỗi buồn nếu ta hiểu được trên đời này luôn có nhiều thử thách và trong tâm luôn có Phật ta sẽ sống an nhiên hơn. Cảm ơn cô”.

Còn bạn đọc Lê Kim Cúc nhắn gửi: “Ai đã từng nghe qua băng đĩa hoặc nghe các thầy thuyết giảng về Phật pháp, nói về đạo và đời. Nghe được nhiều, hiểu được nhiều... Nhưng trong con người mình, tâm mình có thể thực hiện mà áp dụng trong cuộc sống hàng ngày được không? Đó mới là điều quan trọng! Nghe các thầy thuyết pháp mà chính bản thân tiếp nhận được để làm hành trang trong cuộc sống, thì khi sự việc xảy ra, mình sẽ đón nhận và chấp nhận một cách nhẹ nhàng, đủ bao dung, tha thứ mà không phiền não gì cả. Hãy học cách buông, bỏ thì tâm ta sẽ được bình yên”.

Tại mục Diễn đàn xây dựng, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, nhiều đại biểu đã nêu câu hỏi về "loại hình chùa BOT", "xây dựng chùa có sự góp vốn của cá nhân để kinh doanh".

Được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mời phát biểu, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định "không có hiện tượng nêu trên", đồng thời Hòa thượng cũng cho biết: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam không dung túng, bao che cho bất kỳ người tu hành nào, nhất là chức sắc khi vi phạm đạo đức, giáo luật" - đây là nội dung được rất nhiều Tăng Ni, Phật tử quan tâm, chia sẻ.

Đặc biệt, trong tuần qua, bạn đọc cũng quan tâm và thảo luận trên fanpage các bài Giáo hội cần chấn chỉnh các giảng sư nói không có địa ngục, hay lời khuyên Đức Phật vào đề văn chuyên lớp 10, như bạn Nga Lê chia sẻ: “Quá tuyệt vời ạ! Con mong sao giáo lý của Đức Phật được đưa vào nhà trường để giáo dục cho học sinh thì quá tốt ạ!”.

Tổ CTBĐ