Theo đó, sinh hoạt này nhằm bổ sung kiến thức thiết yếu về kinh, luật, luận cho các hành giả an cư, trong đó bao gồm những Tăng Ni trẻ đang theo học tại các trường Phật học cũng như những vị đã rời trường lớp trong nhiều năm. Cơ hội được học, do đó, trở nên bình đẳng với tất cả các hành giả an cư.
Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo VN - TP.HCM thiền tọa trong mùa An cư PL.2563 - Ảnh: Ngộ Trí Thuận
Xưa, pháp an cư được Phật chế định do nhóm sáu vị Tỳ-kheo du hành trong nhân gian bất kể các mùa, bị cư sĩ cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn (…). Mùa hạ trời mưa nước lớn, trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đạp chết cỏ non, đoạt mạng sống của các loài khác…”. Phật dạy: “Từ nay về sau, cho phép các Tỳ-kheo an cư mùa hạ…”.
Nay, nguyên do ban đầu của việc an cư trở đã thành thứ yếu, bởi xã hội và phương tiện sống khác xưa, nhưng mục đích sau cùng của việc an cư vẫn không đổi: tạo điều kiện tốt nhất cho chúng xuất gia chuyên tâm tu học, thực chứng những lời dạy của Đức Phật, đem lại lợi lạc cho quần sanh. Mục đích này trở thành lý do chính yếu của việc an cư trong thời hiện đại.
Con đường tu Phật, bất kể thời đại nào, cũng đều phải trải qua ba bước: văn - tư - tu; tức học hỏi, suy nghĩ quán chiếu và thực hành. Việc học hỏi đến từ thầy, bạn. Còn quán chiếu, thực hành phải dựa vào bản thân. Tuy nhiên, một môi trường tốt sẽ góp phần thúc đẩy ba bước này đi đến thành tựu.
Trường hạ hay các điểm an cư tập trung ngày nay là một môi trường tốt cho việc tu tập, do được các cấp Giáo hội đặc biệt quan tâm. Trong đó, đáng kể là việc cung thỉnh chư vị Trưởng lão đầy đủ uy đức chứng minh trường hạ; thỉnh chư vị giảng sư hướng dẫn kinh, luật, luận cho các hành giả trong suốt ba tháng. Đó là một công đức to lớn của chư vị tôn túc lãnh đạo Giáo hội cũng như chư vị trực tiếp tổ chức, điều hành các hạ trường.
Người viết bài này hiện cũng là một hành giả an cư. Sau nhiều năm tham dự các lớp học hạ, người viết nhận thấy việc tổ chức giảng dạy ngày càng chu đáo, phong phú hơn về nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, các lớp học hạ dường như vẫn quá “truyền thống” trong cách truyền đạt kiến thức, tức trao và nhận theo lối một chiều. Điều này ít nhiều tạo nên sự thụ động đối với người học, giảng sư cũng khó nắm bắt được người nghe tiếp thu thế nào.
Thiết nghĩ, học hạ là một sinh hoạt trong chương trình an cư. Sinh hoạt trước tiên cần có sinh khí. Do đó, buổi sinh hoạt học hạ cần có nhiều hơn nữa sự tương tác, trao đổi giữa người dạy và học, cũng như giữa người học với nhau. Điều này một mặt giúp cho lớp học sinh động, mặt khác giúp cho vị giảng sư hiểu được mức độ tiếp thu của người học, nhanh chóng giúp người học định hướng lại những sai lầm nếu có.
Trường hạ không phải trường học thông thường. Cho nên học hạ nói chung không phải để “nhồi nhét” kiến thức, mà giúp cho hành giả an cư thấy đúng và rõ con đường tu. Do đó, các buổi học cần đi sâu hơn nữa vào phương diện ứng dụng, thực hành theo từng truyền thống. Thấy để mà đi chứ không phải thấy chỉ để biết.
Trong khi các trường Phật học ngày nay nhiều nơi vẫn còn nặng về trang bị kiến thức, mong rằng các lớp học hạ sẽ có một “làn gió mới” để đem đến lợi lạc thực sự cho hành giả trong mùa tăng trưởng đạo lực.
Đăng Tâm